[TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ]
CÂU HỎI?
Em bị mạo danh ngân hàng lừa đảo 10tr thì tố giác với công an như nào ạ? Em có đầy đủ CMND, SĐT, tên tuổi, thông tin gia đình, hình ảnh cmnd 2 mặt, ba mẹ của người đã lừa em. Anh chị tư vấn giúp em
GIẢI ĐÁP:
Tùy vào mức độ vi phạm, hành vi mạo danh ngân hàng để lừa đảo có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định như sau:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
Căn cứ Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Căn cứ Điều 163 Bộ luật tố tụng 2015 quy định về thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra:
Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
Liên hệ với trường hợp của bạn, theo Thông tư 01/2017/TTLT thì bạn cần làm đơn tố giác gửi đến công an điều tra cấp quận/huyện nơi cư trú để được giải quyết kịp thời. Hồ sơ gồm có:
Đơn trình báo công an;
Chứng minh thư nhân dân (bản sao công chứng);
Sổ hộ khẩu (bản sao công chứng);
Chứng cứ kèm theo để chứng minh (thông tin cá nhân, video, hình ảnh, ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội…).
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về câu hỏi của bạn. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật miễn phí hãy nhắn tin cho chúng tôi trên Fanpage hoặc liên hệ với chúng tôi qua đường dây nóng (84–28) 2253 7956.