[TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ]
CÂU HỎI:
Chào luật sư, em xin có câu hỏi: Em đi uống cà phê và để xe trước quán, em có nhận thẻ giữ xe, sau khi uống cà phê xong em ra về và không thấy xe đâu. Cho em hỏi trong trường hợp này ai là người chịu trách nhiệm bồi thường ạ.
GIẢI ĐÁP:
Theo Điều 554 Bộ luật dân sự năm 2015 hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Theo Điều 557 Bộ Luật dân sự năm 2015 về Nghĩa vụ của bên giữ tài sản:
- Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.
- Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.
- Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.
- Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Theo Điều 556 Bộ luật dân sự năm 2015 về Quyền của bên gửi tài sản
- Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Theo Điều 584 Bộ Luật dân sự 2015 về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
Liên hệ với câu hỏi của bạn, bạn để xe ở quán cà phê bị mất và bạn có giữ phiếu gửi xe nên giữa bạn và phía cửa hàng đã có tạo lập hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định của pháp luật dân sự. Vì vậy, trường hợp bạn mất xe máy, bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo khoản 4 Điều 556 Bộ luật dân sự 2015. Giữa bạn và chủ cửa hàng đã có tạo lập hợp đồng trông giữ tài sản nên chủ cửa hàng phải có nghĩa vụ bồi thường giá trị chiếc xe cho bạn theo quy định tại khoản 4 Điều 557 Bộ luật dân sự 2015, việc bồi thường sẽ phải tuân theo các nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 và bồi thường thiệt hại do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp này việc tính giá trị bồi thường bạn có thể tính bằng giá trị thực tế của tài sản bị thiệt hại. Nếu bạn và chủ quán cà phê không thỏa thuận được thì bạn có thể khởi kiện lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về câu hỏi. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật miễn phí hãy để lại câu hỏi trên group hoặc nhắn tin cho Admin để được giải đáp.