[TƯ VẤN PHÁP LUẬT Y TẾ MIỄN PHÍ]
CÂU HỎI:
Em là viên chức, em có nộp đơn nghỉ việc nhưng bệnh viện lại bảo là thiếu nhân lực nên tạm thời không giải quyết. Vậy sau 45 ngày em có quyền nghỉ không ạ? Có ảnh hưởng đến chế độ bảo hiểm và chứng chỉ hành nghề của em không ạ?
GIẢI ĐÁP:
Chào bạn, cảm ơn đã gửi câu hỏi đến MEDLAW, căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp, MEDLAW tư vấn như sau:
Liên hệ với câu hỏi của bạn, căn cứ khoản 4, khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức 2010, sửa đổi, bổ sung 2019, đối với viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày. Đối với viên chức ký hợp đồng lao động xác định thời hạn thì được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và phải báo trước cho tổ chức ít nhất 03 ngày hoặc ít nhất 30 ngày tùy trường hợp luật định. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin thôi việc, bệnh viện có trách nhiệm giải quyết đơn xin thôi việc. Tuy nhiên, trong trường hợp do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế, viên chức sẽ chưa được giải quyết thôi việc theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về thời gian tối đa để bệnh viện bố trí người thay thế. Như vậy, viên chức phải tiếp tục làm việc và chờ đợi đến khi nào yêu cầu công tác đã được đảm bảo và bệnh viện bố trí được người thay thế thì mới được giải quyết thôi việc.
Bên cạnh đó, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngày 04/9/2021 Bộ Y tế ban hành Công văn 7330/BYT – KCB nhằm đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện phòng chống dịch cũng như xử lý kỷ luật hành chính với trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm quy định về đạo đức hành nghề. Nếu xác định được việc nghỉ việc của viên chức nhằm trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao thì đây được xem là hành vi vi phạm, có thể bị xử lý kỷ luật, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề và không giải quyết cho thôi việc. Theo đó, việc bạn mong muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong giai đoạn này là khá khó khăn và có thể phát sinh nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn và trong tương lai.
Vì vậy, mặc dù đã hết thời hạn 45 ngày kể từ ngày thông báo xin nghỉ việc, chúng tôi khuyến cáo bạn vẫn nên tiếp tục làm việc đến khi bệnh viện bố trí được người thay thế và khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Cụ thể, căn cứ pháp lý cho trường hợp của bạn như sau:
– Căn cứ khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức 2010 về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc:
4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;
c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;
e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này.
– Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 57 Nghị định 115/2020 về giải quyết thôi việc:
2. Viên chức chưa được giải quyết thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
d) Do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế.
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 57 Nghị định 115/2020 về giải quyết thôi việc:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của viên chức, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định. Trường hợp không đồng ý cho viên chức thôi việc thì phải trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định.
– Căn cứ Công văn 7330/BYT – KCB do Bộ Y tế ban hành ngày 04/9/2021:
Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh việc quản lý người hành nghề tại các cơ sở KBCB, tổng hợp các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức hành nghề gửi về Bộ Y tế để tổng hợp, xem xét có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp vi phạm.
Nội dung tư vấn của chúng tôi dựa trên thông tin của Khách hàng cung cấp, chỉ có có giá trị tham khảo và được căn cứ vào các quy định pháp luật còn hiệu lực tại thời điểm tư vấn.
Trường hợp muốn tư vấn chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn cụ thể hơn.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về câu hỏi. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật miễn phí hãy để lại câu hỏi trên group hoặc nhắn tin cho Admin để được giải đáp.