[BÀI VIẾT PHÁP LUẬT]
Hiện nay, có nhiều gia đình hoặc cá nhân đang hướng đến con đường kinh doanh nhỏ, lẻ theo mô hình hộ kinh doanh cá thể. Theo đó, mô hình kinh doanh này không cần nhiều vốn, cũng không cần đăng ký kinh doanh, trình tự thủ tục đơn giản hơn so với đăng ký thành lập doanh nghiệp nên được các gia đình hoặc cá nhân ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, để có thể bắt đầu hình thức kinh doanh này một cách thuận lợi nhất, bạn cần nắm rõ những quy định của pháp luật cũng như những lưu ý khi bắt đầu việc kinh doanh. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật hiện hành và những vấn đề liên quan đến Hộ kinh doanh cá thể.
1. Điều kiện:
– Người thành lập Hộ kinh doanh cá thể:
+ Cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Hộ gia đình có hộ khẩu hợp pháp tại Việt Nam cử chủ hộ là người đứng đầu đăng ký hộ kinh doanh.
– Tên Hộ kinh doanh cá thể:
Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố sau đây:
+ Tên riêng của hộ kinh doanh (Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu)
+ Loại hình “Hộ kinh doanh”.
Lưu ý khi đặt tên cho Hộ kinh doanh:
+ Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.
+ Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
+ Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi huyện.
– Ngành nghề Hộ kinh doanh cá thể
+ Khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh: hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
+ Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.
+ Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra Thông báo yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Hồ sơ đăng ký:
– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
3. Thủ tục thành lập Hộ kinh doanh cá thể:
– Bước 1: Nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở Hộ kinh doanh và nhận Giấy biên nhận
– Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ
+ Hồ sơ hợp lệ: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
+ Hồ sơ không hợp lệ: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật miễn phí hãy nhắn tin cho chúng tôi trên Fanpage hoặc liên hệ với chúng tôi qua đường dây nóng (84–28) 2253 7956, website www.medlaw.vn.