[BÀI VIẾT PHÁP LUẬT]
Cùng nhau xây đắp nên một gia đình êm ấm, hạnh phúc luôn là niềm mong ước của nhiều cặp vợ chồng và con cái. Đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn hay muốn cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi, họ sẽ chọn cùng nhau nhận nuôi con nuôi. Có những gia đình cha mẹ nuôi và con nuôi có mối quan hệ rất gắn bó, yêu thương nhau, họ sẽ muốn con nuôi được nhận di sản thừa kế của mình. Nhưng cũng có những gia đình mà con đẻ và con nuôi mâu thuẫn, tranh chấp với nhau về vấn đề chia di sản thừa kế khi cha mẹ qua đời. Vậy câu hỏi ở đây là, liệu con nuôi có được chia thừa kế không?
1️⃣ Việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi hợp pháp
Điều kiện cần để con nuôi được thừa kế di sản do cha mẹ nuôi để lại chính là họ phải là con nuôi hợp pháp.
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 và Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 về điều kiện người nhận nuôi con nuôi và điều kiện của người được nhận làm con nuôi thì:
Người nhận nuôi con nuôi phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; đáp ứng điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt và không thuộc trường hợp không được nhận con nuôi như: đang chấp hành hình phạt tù, chưa được xóa án tích về một trong các tội danh cụ thể,…
Người được nhận làm con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi, nếu được cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi thì phải từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Theo quy định tại Điều 9 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì việc đăng ký nuôi con nuôi phải được tiến hành tại Ủy ban nhân dân cấp xã đối với việc đăng ký nuôi con nuôi trong nước; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với việc đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đối với việc đăng ký nuôi con nuôi của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.
2️⃣ Việc thừa kế theo pháp luật
Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 và khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi và tổ chức giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. Một khi quan hệ giữa cha mẹ nuôi – con nuôi được xác lập một cách hợp pháp thì cha mẹ nuôi – con nuôi được thừa kế di sản của nhau theo quy định tại Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất của thừa kế theo pháp luật gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Vậy, câu trả lời cho bài viết lần này là: Con nuôi được chia thừa kế từ cha, mẹ nuôi khi và chỉ khinếu như họ là con nuôi hợp pháp của người đã mất. Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp bởi “Công sinh không bằng công dưỡng”, những người cha mẹ nuôi đã sống cùng con nuôi gần như nửa đời người và xem họ như con đẻ của mình nên khi chết đi muốn để lại di sản cho con nuôi nhưng không có giấy tờ hợp pháp. Cũng cCó rất nhiều trường hợp phổ biến hơn khi có người tự nhận là con nuôi để tranh chấp di sản thừa kế với con đẻ,. tTuy nhiên, họ lại không có giấy tờ hợp pháp để chứng minh thân thế và quan hệ cha mẹ nuôi – con nuôi. Khi ấy, các trường hợp trên đều không làm phát sinh quyền thừa kế của con nuôi vì không đáp ứng được điều kiện “là con nuôi” hợp pháp” của người đã mất.
Trên đây là bài viết “CON NUÔI CÓ ĐƯỢC CHIA THỪA KẾ HAY KHÔNG”. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật miễn phí hãy nhắn tin cho chúng tôi trên Fanpage hoặc liên hệ với chúng tôi qua đường dây nóng (84–28) 2253 7956, website www.medlaw.vn.