[BÀI VIẾT PHÁP LUẬT]
Bác sĩ có thể mở được quầy thuốc không? Câu trả lời có, nhưng không phải bác sĩ nào cũng có đủ điều kiện để mở quầy thuốc. Bởi vì ngoài việc chịu trách nhiệm về quầy thuốc thì còn cần phải đảm bảo về việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Do đó nên là người chịu trách nhiệm một quầy thuốc thì đòi hỏi cần nhiều điều kiện hơn. Qua bài viết hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về vấn đề này nhé.
1. Cơ sở kinh doanh dược là gì?
Theo khoản 2 Điều 32 Luật Dược 2016, cơ sở kinh doanh dược bao gồm:
Cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
Cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
Cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
Cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền;
Cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
Cơ sở kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng;
Cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc
Như vậy, mở quầy thuốc là cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược thuốc, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
2. Vị trí công việc phải có chứng chỉ hành nghề dược:
Theo khoản 1 Điều 11 Luật Dược 2016 về vị trí công việc phải có Chứng chỉ hành nghề dược bao gồm: Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dược. Do đó, theo khoản 2 Điều 33 Luật Dược 2016 về Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phải có Chứng chỉ hành nghề dược phù hợp với cơ sở bán lẻ thuốc.
Điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của quầy thuốc:
Theo khoản 1 Điều 31 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009: “Được hành nghề theo đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề.” Do đó bác sĩ muốn hành nghề dược phải được cả chứng chỉ hành nghề dược thì mới có quyền hành nghề trong phạm vi các chứng chỉ chuyên môn đã cấp.
Theo khoản 2 Điều 18 Luật Dược 2016: “Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của quầy thuốc phải có một trong các văn bằng chuyên môn quy định tại Điểm a, e hoặc g Khoản 1 Điều 13 của Luật này và có 18 tháng thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp.”
Theo điểm a khoản 6 Điều 20 Nghị định 54/2017/NĐ-CP: “Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã phải thực hành một trong các nội dung thực hành chuyên môn sau: Bán buôn, bán lẻ thuốc; xuất nhập khẩu thuốc; dược lâm sàng, cung ứng thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh; sản xuất thuốc; kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu dược; bảo quản thuốc; phân phối thuốc; quản lý dược tại cơ quan quản lý về dược;”
Như vậy, điều kiện cần thiết bao gồm:
– Văn bằng chuyên môn:
– Bằng tốt nghiệp đại học ngành dược;
– Bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành dược;
– Bằng tốt nghiệp trung cấp ngành dược.
– 18 tháng thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp.
– Thực hành một trong các nội dung chuyên môn sau: Bán buôn, bán lẻ thuốc; xuất nhập khẩu thuốc; dược lâm sàng, cung ứng thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh; sản xuất thuốc; kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu dược; bảo quản thuốc; phân phối thuốc; quản lý dược tại cơ quan quản lý về dược.
Vậy, nếu bác sĩ có đủ các điều kiện về bằng cấp, thời gian thực hành, nội dung chuyên môn thực hành theo các quy định đã nêu thì vẫn được mở quầy thuốc nhé các bạn. Tùy theo địa điểm kinh doanh mà mức độ văn bằng chuyên môn phải tuân thủ những điều kiện ràng buộc khác. Ở các vùng miền thuộc vùng sâu, vùng xa, hải đảo thì điều kiện chuyên môn sẽ thấp hơn, chế độ ưu đãi nhiều hơn so với các địa bàn trung tâm nhằm khuyến khích nhân viên y tế tình nguyện đến các địa bàn khó khăn, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật miễn phí hãy nhắn tin cho chúng tôi trên Fanpage hoặc liên hệ với chúng tôi qua đường dây nóng (84–28) 2253 7956, website www.medlaw.vn.
#medlaw #tuvanphapluatmienphi