[TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ]
CÂU HỎI:
Dạ em chào anh chị ạ. Em có chút chuyện xin được nhờ anh chị hiểu rõ về luật đất đai chỉ giùm cho e với ạ. Em xin chân thành cảm ơn ạ. Em rất mong được admin duyệt bài và được anh chị giúp đỡ ạ
Nhà em và bác em có 1 lối đi chung, lối đi ý cạnh sân nhà bác. Trước thì nhà em không có đòi lối đi ý, nhà em thường đi qua sân nhà bác, giờ có chút chuyện nhà em muốn đi cái lối nhà em được phép sử dụng chứ không đi nhờ nhà bác (lối đi chung khi nhà em chưa đòi thì nó được coi là sân nhà bác). Cổng nhà bác em xây thuộc vào lối đi chung, chắn cái lối đi chung ý. Bác em có nói trước khi làm sổ đỏ cổng đã ở đấy rồi, và không ai có quyền đập cổng ý đi. Giờ nhà em muốn được yêu cầu nhà bác đập bỏ cổng đi để trả lại đất của lối đi chung thì có đúng không ạ. Em Rất mong được anh chị giúp đỡ ạ. Em cám ơn ạ.
GIẢI ĐÁP:
Chào bạn, cảm ơn đã gửi câu hỏi đến MEDLAW, do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên Medlaw không đủ căn cứ tư vấn một cách chính xác cho bạn. Tuy nhiên, trường hợp của bạn có thể tham khảo các quy định sau:
Dựa trên những thông tin bạn đã cung cấp, bạn cần xác định lối đi chung này thuộc quyền sử dụng của ai. Dựa vào giấy chứng nhận sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để xác định đó có phải thuộc quyền sử dụng của bạn hay của nhà bác bạn.
Nếu là của nhà bác bạn, theo khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp nhà bạn bị vây bọc bởi nhà bác bạn mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, bạn có quyền yêu cầu bác bạn dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
Nếu là của nhà bạn, bạn có thể thương lượng với nhà bác bạn trả lại phần đất cho mình.
Trong cả hai trường hợp trên, nếu bạn không thể tự thương lượng với nhà bác bạn, bạn có thể gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải và sẽ được giải quyết trong vòng không quá 45 ngày kể từ ngày nhận đơn.
Trường hợp UBND xã hòa giải không thành, bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để giải quyết tranh chấp lối đi chung.
Cụ thể, căn cứ pháp lý cho trường hợp của bạn như sau:
– Theo Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền lối đi qua:
1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.
– Theo khoản 1, 2, 3 Điều 202 Luật Đất đai 2012 về hòa giải tranh chấp đất đai:
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
– Theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2012 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
– Theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013:
16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Nội dung tư vấn của chúng tôi dựa trên thông tin của Khách hàng cung cấp, chỉ có có giá trị tham khảo và được căn cứ vào các quy định pháp luật còn hiệu lực tại thời điểm tư vấn.
Trường hợp muốn tư vấn chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn cụ thể hơn.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về câu hỏi. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật miễn phí hãy để lại câu hỏi trên group hoặc nhắn tin cho Admin để được giải đáp.