[BÀI VIẾT PHÁP LUẬT Y TẾ]
NGƯỜI NƯỚC NGOÀI HÀNH NGHỀ KHÁM, CHỮA BỆNH TẠI VIỆT NAM CÓ BẮT BUỘC PHẢI THÀNH THẠO TIẾNG VIỆT?
Hiện nay, việc các cá nhân, tổ chức người ngoài đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực y tế ngày càng tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sĩ nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, đứng trước vấn đề bất đồng về mặt ngôn ngữ, liệu người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam có bắt buộc phải thành thạo tiếng Việt hay không? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ vấn đề trên!
1. Người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam có bắt buộc phải thành thạo tiếng Việt?
Lĩnh vực y tế là một trong những lĩnh vực đặc thù, liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Vì vậy, vấn đề ngôn ngữ là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng được đặt ra khi người nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam. Theo khoản 1 Điều 23 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, người nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo; trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch.
Như vậy, người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam tốt nhất vẫn cần biết tiếng Việt thành thạo nhưng đây không phải là một quy định bắt buộc, trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì có thể đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch trong quá trình khám, chữa bệnh. Trường hợp sử dụng người phiên dịch, người phiên dịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.
2. Các trường hợp được công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác trong khám bệnh, chữa bệnh mà không phải qua kiểm tra
Để được công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác trong khám, chữa bệnh mà không phải qua kiểm tra, người nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam phải thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 109/2016/NĐ-CP hướng dẫn cấp Chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề, cụ thể như sau:
– Có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp chuyên ngành y trở lên do cơ sở đào tạo hợp pháp trong nước hoặc nước ngoài cấp mà toàn bộ chương trình đào tạo được sử dụng bằng tiếng Việt hoặc bằng ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh;
– Có chứng chỉ đã hoàn thành các khóa đào tạo chuyên ngành y có thời gian từ 12 tháng trở lên mà ngôn ngữ sử dụng trong đào tạo là tiếng Việt hoặc bằng ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh;
– Có bằng tốt nghiệp trình độ đại học chuyên ngành tiếng Việt hoặc bằng ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh do các cơ sở đào tạo hợp pháp trong nước hoặc nước ngoài cấp.
Các văn bằng, chứng chỉ quy định tại Khoản 3 Điều này phải được cấp trong thời gian không quá 05 năm tính đến ngày nộp hồ sơ.
Vì vậy, người nước ngoài muốn hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện về ngôn ngữ nói trên để đảm bảo quá trình khám, chữa bệnh được chính xác, chất lượng.