[TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ]
CÂU HỎI
Tôi là cổ đông 1 công ty vốn điều lệ 500 triệu, tôi góp vốn từ năm 2003 là 10 triệu chiếm 2%. Nay công ty họp cổ đông thông qua điều lệ mới tăng vốn góp lên 50 tỷ và phát hành thêm 50 tỷ trừ 500 triệu còn 49,5 tỷ cổ phiếu phổ thông như thế có đúng không? Và tôi có thể làm đơn yêu cầu công ty mua theo giá thỏa thuận không, vì công ty hứa nếu bán cổ phần cũ cho đối tác họ trả gấp 31 lần.
GIẢI ĐÁP:
Chào bạn, cảm ơn đã gửi câu hỏi đến MEDLAW, do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên MEDLAW không đủ căn cứ tư vấn một cách chính xác cho bạn. Tuy nhiên, trường hợp của bạn có thể tham khảo các quy định sau:
Liên hệ với câu hỏi của bạn, thứ nhất, để thông qua điều lệ mới tăng vốn góp và phát hành thêm cổ phần chào bán để tăng vốn điều lệ thì công ty phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ dự họp và tỷ lệ biểu quyết theo quy định tại Điều 145, Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể, về tỷ lệ dự họp cần có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì thông báo mời họp lần thứ hai trong 30 ngày và có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên. Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành thì thông báo mời họp lần thứ ba trong 20 ngày và không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.
Về tỷ lệ biểu quyết thông qua tăng vốn, để nghị quyết của cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hợp lệ, cần đáp ứng tỷ lệ từ 65% tổng số phiếu biểu quyết tán thành trở lên của tất cả cổ đông dự họp. Ngoài ra, cuộc họp đại hội đồng cổ đông phải được ghi biên bản và đảm bảo các nội dung theo quy định tại Điều 150 Luật Doanh nghiệp 2020. Như vậy, nếu cuộc họp đại hội đồng cổ đông về việc phát hành thêm cổ phần chào bán để tăng vốn điều lệ thỏa mãn các điều kiện nêu trên thì cuộc họp được thông qua điều lệ mới và đảm bảo tính pháp lý của Nghị quyết.
Thứ hai, về việc yêu cầu công ty mua cổ phần, bạn có quyền bán số cổ phần đang nắm giữ cho công ty theo hình thức mua lại cổ phần theo quyết định của công ty. Giá mua lại cổ phần do Hội đồng quản trị quyết định. Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại theo quy định tại khoản 2 Điều 133 Luật Doanh nghiệp 2020. Đối với cổ phần loại khác, nếu Điều lệ công ty không quy định hoặc công ty và cổ đông có liên quan không có thỏa thuận khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường. Theo đó, nếu hai bên có thỏa thuận về giá cổ phần khác, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại số cổ phần của mình theo giá đã thỏa thuận, miễn không thấp hơn giá thị trường. Như vậy, trong trường hợp cổ phần bạn đang nắm giữ là cổ phần khác, bạn có yêu cầu công ty mua lại theo giá thỏa thuận.
Cụ thể, căn cứ pháp lý cho trường hợp của bạn như sau:
– Khoản 2 Điều 133 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty:
“Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần. Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Đối với cổ phần loại khác, nếu Điều lệ công ty không quy định hoặc công ty và cổ đông có liên quan không có thỏa thuận khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường”.
– Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông:
1. Hội đồng quản trị triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thường niên và bất thường. Hội đồng quản trị triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây:
a) Hội đồng quản trị xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty;
b) Số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát còn lại ít hơn số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật;
c) Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật này;
d) Theo yêu cầu của Ban kiểm soát;
đ) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
2. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xảy ra trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hoặc nhận được yêu cầu triệu tập họp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này. Trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên Hội đồng quản trị phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty.
3. Trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại khoản 2 Điều này thì trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, Ban kiểm soát thay thế Hội đồng quản trị triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật này. Trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định thì Ban kiểm soát phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty.
4. Trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại khoản 3 Điều này thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông theo quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật này có quyền đại diện công ty triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật này.
– Điều 145 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông:
“1. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
2. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 Điều này thì thông báo mời họp lần thứ hai phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
3. Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 2 Điều này thì thông báo mời họp lần thứ ba phải được gửi trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ hai, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.”.
– Điểm a, b khoản 1 và khoản 2 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua
“1. Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:
a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;
…
e) Vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.
2. Các nghị quyết được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.”.
Nội dung tư vấn của chúng tôi dựa trên thông tin của Khách hàng cung cấp, chỉ có có giá trị tham khảo và được căn cứ vào các quy định pháp luật còn hiệu lực tại thời điểm tư vấn.
Trường hợp muốn tư vấn chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn cụ thể hơn.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về câu hỏi. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật miễn phí hãy để lại câu hỏi trên group hoặc nhắn tin cho Admin để được giải đáp.