[BÀI VIẾT PHÁP LUẬT Y TẾ]
Trong lĩnh vực y tế, chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh là một trong những loại chứng chỉ vô cùng quan trọng. Muốn được cấp chứng chỉ này, người xin cấp phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật. Vậy thời hạn của chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được pháp luật quy định như thế nào? Vấn đề này sẽ được giải đáp thông qua bài viết sau đây!
1. Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh là gì?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009: “Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này”.
2. Thời hạn của chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh
Hiện tại, pháp luật chưa có quy định về thời hạn của chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 có quy định các trường hợp chứng chỉ hành nghề bị thu hồi như sau:
– Chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền;
– Chứng chỉ hành nghề có nội dung trái pháp luật;
– Người hành nghề không hành nghề trong thời hạn 02 năm liên tục;
– Người hành nghề được xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh;
– Người hành nghề không cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong thời gian 02 năm liên tiếp;
– Người hành nghề không đủ sức khỏe để hành nghề;
– Người hành nghề thuộc một trong các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 18 của Luật này, tức các trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, hiện nay, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không quy định thời hạn sử dụng, tức là người được cấp chứng chỉ này có thể sử dụng nó kể từ thời điểm được cấp cho đến khi không có nhu cầu sử dụng nữa hoặc không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng chứng chỉ đó và bị thu hồi theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, có một điều thú vị có thể bạn chưa biết là trong giai đoạn từ 19/12/2000 đến 14/02/2004, VN có đến 2 loại CCHN và chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn 3-5 năm. Bộ trưởng Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh để đăng ký Bệnh viện, đăng ký Doanh nghiệp làm dịch vụ khám, chữa bệnh. Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh có giá trị trong phạm vi cả nước và có thời hạn trong 5 năm kể từ ngày cấp. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) xét cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh để cá nhân, hộ kinh doanh cá thể đăng ký dịch vụ khám, chữa bệnh. Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh có giá trị trong phạm vi tỉnh và có thời hạn trong 3 năm kể từ ngày cấp. Sau thời hạn trên, người có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh phải tham gia lớp đào tạo cập nhật kiến thức chuyên khoa và các chương trình y tế quốc gia phổ cập để làm thủ tục gia hạn chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh (theo quy định tại thông tư 19/2000/TT-BYT ngày 24/11/2000, đã hết hiệu lực từ 14/02/2004).
Vì vậy, người xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh cần lưu ý những vấn đề trên để thực hiện đúng quy định của pháp luật nhé!