[TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ]
CÂU HỎI:
Em đang làm việc tại Nhật, chồng em ở Việt Nam. Chúng em có 1 con chung 6 tuổi hiện tại bé đang sống với ông bà ngoại. Chúng em không có tài sản chung. Hiện tại em muốn đơn phương ly hôn thì có được không ạ? Mong quý luật sư tư vấn giúp em.
GIẢI ĐÁP:
Chào bạn, cảm ơn đã gửi câu hỏi đến MEDLAW, căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp, MEDLAW xin được tư vấn như sau:
Theo khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn
Theo Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Theo khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;
Theo điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này.
Theo khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về Người đại diện
4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.
Liên hệ với câu hỏi của bạn, theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nên dù bạn đang ở Việt Nam hay nước ngoài đều có thể gửi hồ sơ yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trường hợp của bạn là tranh chấp về hôn nhân nên sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi chồng bạn cư trú theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bạn phải nộp hồ sơ đúng tại Tòa án có thẩm quyền thì mới được xem xét và giải quyết. Theo khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 chỉ quy định đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình “tham gia tố tụng” chứ không quy định về việc đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình nộp hồ sơ nên nếu bạn vẫn còn đang công tác tại Nhật Bản và không thể trở về trong thời điểm này có thể ủy quyền cho người thân của mình thay mặt nộp hồ sơ. Bên cạnh đó, vì tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, Tòa án hạn chế nhận đơn gửi trực tiếp nên bạn có thể gửi đơn bằng hình thức trực tuyến qua trang Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Ngoài ra, theo Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng nhưng hiện nay con bạn đã 6 tuổi nên quyền nuôi con của cả 2 vợ chồng là như nhau. Bạn có thể thỏa thuận trước với chồng về việc phân chia quyền nuôi con, nếu không thỏa thuận được có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp này Tòa án sẽ căn cứ vào những yếu tố như: điều kiện vật chất (điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, học tập…), điều kiện tinh thần (thời gian chăm sóc, giáo dục cho con, trình độ học vấn của cha mẹ…);… để giao quyền nuôi con. Ai có thể tạo được điều kiện tốt hơn cho con sẽ có khả năng giành được quyền nuôi con cao hơn.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về câu hỏi. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật miễn phí hãy nhắn tin cho chúng tôi trên Fanpage hoặc liên hệ với chúng tôi qua đường dây nóng (84–28) 2253 7956, website www.medlaw.vn.