[HEALTH LAW ARTICLE]
HÀNH VI TỪ CHỐI KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TRÁI PHÁP LUẬT PHẢI CHỊU NHỮNG CHẾ TÀI NÀO?
Trong mọi hoàn cảnh, người hành nghề y luôn muốn sử dụng kiến thức chuyên môn để cứu người bệnh thoát khỏi sự đau khổ về thể chất lẫn tinh thần, trong đó khám bệnh và chữa bệnh chính là sứ mệnh cao cả. Tuy nhiên, khả năng của các cá nhân, tổ chức là có giới hạn nên người hành nghề y có quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân trong một số trường hợp được pháp luật cho phép. Nhưng nếu “hành vi từ chối khám bệnh, chữa bệnh trái pháp luật phải gánh chịu những chế tài nào?”. Hãy cùng MEDLAW tìm hiểu về những thông tin này nhé!
1. Xử phạt hành chính
Theo Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, hành vi từ chối khám bệnh, chữa bệnh trái pháp luật của người hành nghề y sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
– Từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi vượt quá khả năng chuyên môn hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề nhưng không báo cáo với người có thẩm quyền hoặc không giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo điểm a khoản 3 Điều này.
– Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng căn cứ theo điểm g khoản 7 Điều này. Bên cạnh đó, người hành nghề còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng theo quy định tại điểm c khoản 8 Điều này. Đối với người nước ngoài, nếu hành vi này tái phạm thì bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định tại điểm đ khoản 8 Điều này.
2. Xử lý hình sự
Theo Điều 132 Bộ Luật Hình sự 2015, hành vi từ chối khám bệnh, chữa bệnh trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội không cứu người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”:
– Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
+ Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
– Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
– Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, nếu người hành nghề y từ chối khám bệnh, chữa bệnh trái pháp luật thì bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự hoặc cả hai. Do đó, các cá nhân, tổ chức hành nghề y cần lưu ý các trường hợp được phép từ chối khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật để hạn chế rủi ro khi hành nghề và tránh các tranh chấp phát sinh.